TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


Xin Đừng
Lạm Dụng Hai Chữ Cộng Đồng !


Tác giả: V.T
Thể loại: Sinh Hoạt

 

I./ Diễn Tiến:
    Vào lúc 5.30 ngày 01/9/2016, tại trụ sở quốc hội tiểu bang Nam Úc, thủ hiến Jay Weathrill đã có cuộc tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam ở Nam Úc. Buổi tiếp xúc nầy nhằm mục đích trả lời những câu hỏi của “vài cá nhân người Úc gốc Việt” về vai trò ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu trong chuyến công du Việt Nam vừa qua của chính phủ Nam Úc. Sở dĩ tôi dùng từ ngữ “Vài cá nhân người Úc gốc Việt” đặt câu hỏi trong cuộc tiếp xúc nầy, bởi vì họ thực chất không có tư cách đại diện cho một danh xưng có tính quần chúng bằng cụm từ: Cộng Đồng Việt Nam ở Nam Úc!!!
     Thành phần chủ tọa gồm có:
- Thủ hiến Jay Weathrill
- The Hon Ngô Thế Tùng, điều hợp viên
- Cô Brown Hurrell, thư ký thủ hiến.
     Thành phần tham dự của cộng đồng Việt Nam gồm có:
- Ông Lê Quang Tín: Chủ tịch CĐNVTD-Nam Úc và các vị cố vấn, các vị trong ban chấp hành.
- Quí vị: Vũ Đức Lâm, Bs Ngô Anh Tuấn, bà Hà Thị Phương Ngôn, Cô Đỗ Vân Đài, cô Huỳnh Hoài Bảo Châu, bà Trần Huệ Lan, cô Đặng Kim Loan, Võ sư Hồ Quang Thanh Sơn, ông Nguyễn Thành Phú, ông Nguyễn Đăng Thảo ... Đại diện cho các hội đoàn, tổ chức đấu tranh hiện đang hoạt động trong cộng đồng Việt Nam tại Nam Úc.
- Ông Đinh Văn Thiệt: chủ bút Diễn Đàn NGVNSA
- Ông Nguyễn Duy Cường: Chủ bút Adelaide tuần báo.
      Mở đầu cuộc hỏi đáp, thượng nghị sĩ Tùng Ngô điều hợp chương trình tuyên bố lý do, sau đó giới thiệu thủ hiến Jay Weatherill trình bày sơ lược về hiện tình kinh tế của tiểu bang và chuyến công du của chính phủ Nam Úc đến các nước Á Châu vừa qua, trong số các quốc gia đó có Việt Nam.
     Trước khi trả lời các câu hỏi của tham dự viên, thủ hiến cũng đề cập đến chính sách ngoại thương của chính phủ với các nước có chế độ độc tài cộng sản, điển hình như Trung Quốc mỗi năm số lượng du sinh đến Úc rất đông và mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngân sách liêng ban lẫn tiểu bang. Sở dĩ Thủ hiến đề cập đến chính sách ngoại thương với Trung Quốc, là khẳng định và nhằm nhắc nhở đến cộng đồng Việt Nam chúng ta phải thấu hiểu về chính sách của chính phủ trên bình diện ngoại giao: Chính phủ Nam Úc nói riêng và liên bang nói chung, không đặt mặng về biên giới chủ nghĩa trong lãnh vực ngoại thương, miễn sao đôi bên cùng có lợi để phát triển đất nước.
       Vì chương trình có giới hạn là 1 giờ nên chỉ đủ thời gian để thủ hiến trả lời cho vài người ưu tiên đặt câu hỏi có “kiểm duyệt” trước với BCH cộng đồng, những người được đặt câu hỏi như: Ls Quang, Ông Lê Quang Tín, ông Trần Văn Nhu, ông Vũ Đức Lâm, bà Huệ Lan, ông Đăng Thảo, ông Nguyễn Duy Cường, cô Đỗ Vân Đài và Huỳnh Hoài Bảo Châu.
       Trong số những câu hỏi của tham dự viên, đa số không đặt đúng trọng tâm vào mục đích cuộc tiếp xúc của thủ hiến! Nhất là cách đặt câu hỏi về nhân quyền cho VN trong chuyến công du vừa qua của chính phủ Nam Úc. Chẳng hạn như các vị sau đây đã nêu lên những lời “đấu tố” chính phủ Nam Úc, gây cho tham dự viên vài ấn tượng khó quên:

1- Vũ Đức Lâm: Nói tiếng Anh không mấy “thông thạo”,  nhưng Ls Lâm cũng không cần nhờ đến thông dịch viên, dù văn phòng thủ hiến có ông Viên Kim Hạnh làm thông dịch, nhưng để chứng tỏ ông ta là một người trí thức luật sư lưu loát Anh ngữ.!. Phần đầu của câu hỏi, ông Lâm tự giới thiệu mình là một hội trưởng Hội Phúc Lợi (????), một doanh nhân thành công hành nghề tài chính hơn 20 năm tại Nam Úc..v..v... Sau khi tự giới thiệu về mình xong xuôi, ông Lâm lại “dạy đời” những mánh khóe cho thủ hiến cách thức ký hợp đồng mua bán với csVN, kẻo sẽ bị csVN lừa gạt!!! Căn cứ vào câu hỏi của Ls Lâm, chúng ta nhận xét rằng, đây là những lời quảng cáo về cá nhân hơn là một câu hỏi theo chương trình do HĐQT sắp xếp....!

2- Đặng Kim Loan: Cô nói lên “nỗi lòng” của chính cô khi nhìn thấy tấm hình ngài Lê Văn Hiếu bắt tay với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. Cô Kim Loan nhắc lại chuyện xưa trong niềm cảm xúc và nghẹn ngào về hai chữ “Tỵ nạn”. Nếu không quen biết và hiểu nhiều về cô Kim Loan, người ta cứ tưởng cô là một phụ nữ Việt Nam có lòng yêu nước thương nòi, xót xa trước cảnh cá chết vì biển bị nhiểm độc ở VN. Và từ cảnh tượng nầy đã làm cô bị ám ảnh để phải thốt lên lời oán trách ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu sao nở “vô tình” bắt tay với người cộng sản Việt Nam!!! Nhưng kỳ thực ra, có thể cô Kim Loan bị phản cảm một hiện tượng nào đó về cái bắt tay xã giao của những người lãnh đạo trên cương vị ngoại giao nên mới có phản ứng với tấm hình nầy!. Cũng có lẽ cô Kim Loan không hiểu biết về hai chữ “lịch sự” trong cái “bắt tay” thể hiện sự đón chào trong phép tắc ngoại giao! Từ đây, chúng ta nên hiểu rằng: Ngài Lê Văn Hiếu bắt tay với bà phó chủ tịch csVN không phải là hành động hợp tác chính trị. Trong câu hỏi của Kim Loan, nói đúng hơn là những lời oán trách toàn quyền Lê Văn Hiếu, cô Kim Loan đã “yêu cầu” thủ hiến Nam Úc nên đặt vấn đề nhân quyền với csVN nếu có những quan hệ kinh tế trong tương lai. Nhưng ở điểm nầy, cô Kim Loan đã không hiểu biết tí gì về qui ước ngoại giao giữa hai quốc gia: Vấn đề nhân quyền chỉ được đặt ra trong quan hệ ngoại giao cấp QUỐC GIA. Vì vậy, chính phủ Nam Úc thuộc cấp tiểu bang thì làm sao có tư cách để đặt vấn đề nhân quyền với csVN được hả cô Kim Loan? Phần nầy, trước khi thủ hiến tiếp xúc với CĐVN Nam Úc, thủ hiến có gởi văn thư cho BCH cộng đồng rồi, chắc có lẽ cô Kim Loan không tham dự cuộc họp CĐ nên cô không biết, vì vậy Kim Loan đặt câu hỏi lạc đề! Để giải nghĩa về cái “bắt tay” của ngài Lê Văn Hiếu với bà phó chủ tịch nước CHXHCNVN, xin cô Kim Loan vào xem bài viết: Văn Hóa Của Những Người Chống Cộng Cực Đoan đăng trên Diễn Đàn Nông Gia Việt Nam.

3- Ông Nguyễn Duy Cường: Hẳn nhiên, ông Cường tham dự với tư cách chủ bút tờ Adelaide Tuần Báo, một tờ báo duy nhất đã bắn phát súng lệnh phản đối toàn quyền Lê Văn Hiếu công du Việt Nam, phát súng lệnh giờ đây đã lộ rỏ ràng có ý đồ và âm mưu chính trị nhắm vào cá nhân ngài Lê Văn Hiếu.!!!! Câu hỏi của ông cũng đã đi lạc chủ đề quá xa! Ông đã lấy tư cách một cơ quan truyền thông để “hù dọa” thủ hiến Jay Weatherill về vai trò “Truyền thông đại chúng” trong cộng đồng Việt Nam của Adelaide tuần báo. Ông Nguyễn Duy Cường cũng “hăm he” rằng: Nếu ngài thủ hiến không giải thích hay trả lời rỏ ràng với CỘNG ĐỒNG Việt Nam về chuyến công du của ông Lê Văn Hiếu thì trong tương lai đảng Lao Động sẽ bị mất phiếu cử tri của cộng đồng VN (híc! híc) ... Nhưng khi nói lên những điều nầy, ông Nguyễn Duy Cường đã quên rằng, tờ báo Adelaide là cơ quan truyền thông Việt Ngữ có giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp của cộng đồng Việt Nam tiểu bang Nam Úc thì làm sao có tư cách “đại chúng” để “hù dọa” chính phủ Nam Úc được.! Thêm nữa, thực chất của Adelaide tuần báo chỉ là một bản tin Việt Ngữ đăng những bài sao chép từ nguồn internet để cho độc giả Việt Nam không biết sử  dụng internet “mua vui cũng được một vài trống cơm”. Thử hỏi, Adelaide TB không có phóng viên, không có ký giả... Như thế mà cũng “làm lòe” với thủ hiến rằng: Adelaide TB của chúng tôi có rất nhiều độc giả phản đối chuyến công du VN của chính phủ Nam Úc... Theo như sự hiểu biết của tôi, những tờ báo có tầm cở truyền thông lớn như Advertiser chưa bao giờ dám tuyên bố những câu “Xanh dờn” như Adelaide tuần báo.!!!! Ngẫm nghĩ lại, tôi cảm thấy xấu hổ cho giới truyền thông Việt Ngữ khi ông chủ bút Cường “hù dọa” thủ hiến Jay Weatherill như thế.

4./ Ông Trần Văn Nhu:  Trước khi đi đến gặp mặt thủ hiến, ông Nhu đã đăng trên Adelaide TB 5 câu hỏi chuẩn bị chất vấn ngài thủ hiến.! Nhưng khi đến quốc hội, mỗi tham dự viên chỉ được phép nêu lên một câu hỏi, và ông Nhu đã chọn câu hỏi thứ tư có nội dung về “Thành Phố Kết Nghĩa, Sister City”. Câu hỏi của ông Nhu được trả lời bằng một lời duy nhất KHÔNG của thủ hiến.!!! Bởi vì theo tôi, câu hỏi có tính mơ hồ và lạc đề nên thủ hiến bực lòng trả lời vỏn vẹn bằng tiếng “Không” nghe khô khan và lạc lỏng!!!!!!
      Nhân đây, tôi xin phân tích vài nét có tính “Lạm quyền dân chủ” trong câu hỏi số 5 của ông Trần Văn Nhu đăng trên Adelaide tuần báo số 744 trang 19, phát hành ngày thứ năm 01/9/2016, trích đoạn như sau:
** Rất nhiều người Việt tại Nam Úc đâm ra hoang mang, lo lắng khi hay tin bố của ông Lê Văn Hiếu không chết như lời ông ấy khai trước đây, mà là theo Việt Minh rồi tập kết ra Bắc Việt Nam sau hiệp định Geneve 1954. Xin ông thủ hiến có thể cho tiến hành điều tra và xác định nguồn tin trên đúng hay sai?......
       Với câu hỏi nầy, ông Trần Văn Nhu không những đã vượt quá xa vai trò một công dân Úc mà còn thể hiện sự lạm dụng quyền dân chủ nữa! Tư cách và vị trí ông Nhu thế nào mà “Xin ông thủ hiến có thể cho tiến hành điều tra và xác định nguồn tin trên đúng hay sai?......” Thêm nữa, ông Nhu căn cứ vào tài liệu và bằng chứng nào mà khẳng định cha của toàn quyền Lê Văn Hiếu là Việt Minh tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve 1954.?

5./ Cô Vân Đài và Huỳnh Hoài Bảo Châu: Hai cô là thành viên của đảng Việt Tân Nam Úc nên trọng tâm câu hỏi chỉ đặt vấn đề nhân quyền với chính phủ của Jay Weatherill trong chuyến viếng thăm VN. Phần nầy, chính phủ có gởi cho CĐNVTD Nam Úc một văn thư xác định về quyền hạn thuộc chính phủ liên bang.

II./ Kết Quả:
       Nhìn chung, buổi tiếp xúc của thủ hiến với cộng đồng Việt Nam ở Nam Úc về chuyến công du VN của chính phủ Nam Úc kết thúc trong nỗi buồn “không đi về đâu!!!”. Những câu hỏi đến thủ hiến đều có cùng nội dung tấn công ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu về “căn tính tỵ nạn” trong chuyến công du VN! Ở điểm nầy, với cái nhìn khách quan, những người tham dự đã đặt các câu hỏi có tính chỉ trích, đấu tố vào cá nhân ngài toàn quyền hơn là góp ý xây dựng! Phải chăng, hiện tượng ngài Lê Văn Hiếu đi VN đã bị một phe nhóm nào đó đứng sau hậu trường sân khấu để điều khiển vài cá nhân “mạo danh” đại diện cộng đồng, đại diện hội đoàn để đấu tố, cáo trạng toàn quyền Lê Văn Hiếu, nhằm làm giảm uy tín của ngài! Những cá nhân đó đã lộ diện trong cuộc tiếp xúc của thủ hiến và khẳng định họ KHÔNG CÓ TƯ CÁCH ĐẠI DIỆN cho ai trong cộng đồng Người Việt Tự Do ở Nam Úc. Họ là:
* Ông Trần Văn Nhu đã moi móc quá khứ đời tư cha mẹ của toàn quyền Lê Văn Hiếu! Ông Nhu lại còn yêu cầu ngài Lê Văn Hiếu nên tự xin tạm ngưng nhiệm vụ toàn quyền(step aside) cho đến khi có kết quả chính thức của cuộc điều tra..v..v....  
* Cô Kim Loan đại diện cho ai, hội đoàn nào??? Nhưng cô đã lấy tư cách là đại diện cho những người Việt Tỵ nạn ở Nam Úc để phải “đau nhói con tim” khi nhìn thấy toàn quyền Lê Văn Hiếu bắt tay với bà phó chủ tịch nước CHXHCNVN. Cô Loan cũng đưa ra câu ví von với thủ hiến rằng: “Nếu thủ hiến là người Việt tỵ nạn như chúng tôi thì thủ hiến có đau lòng không..?...”.
* Ông Vũ Đức Lâm: Ông tự giới thiệu là hội trưởng hội Phúc Lợi.? Hội của ông Lâm ở đâu và có bao nhiêu hội viên.???
       
III./ Nhận Định:
        Tôi là một người làm truyền thông lâu năm, tôi có vài nhận định về cuộc tiếp xúc của thủ hiến với các đại diện cộng đồng Việt Nam ngày 01/9/2016 như sau:
1./ Về lý: Tất cả những người đặt các câu hỏi đều có cùng mục đích: Đấu tố, cáo trạng ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu và chính phủ Nam Úc trong chuyến công du VN ... Những người đặt câu hỏi về nhân quyền đã không nghe ông chủ tịch CĐ phổ biến tinh thần văn thư của thủ hiến gởi cho cộng đồng: Vấn đề nhân quyền với chính phủ VN thuộc về quyền hạn của chính phủ liên bang.
2./ Về tình: Trước khi thủ hiến trả lời những thắc mắc của chúng ta, thủ hiến có nói lời tâm tình rằng: “Đảng Lao Động rất gần gũi và giúp đở cộng đồng Việt Nam, bằng chứng là chúng tôi đã đề cử ông Lê Văn Hiếu tiến đến vị trí toàn quyền và ông Tùng Ngô là nghị sĩ quốc hội Nam Úc...”. Ở điểm nầy, nếu quí vị là NGƯỜI VIỆT NAM QUỐC GIA thì quí vị nghĩ sao về lời nói của thủ hiến? Ngoại trừ những ai là người Việt Nam cộng sản!
       Để trả lời cho những câu hỏi mang tính thắc mắc về ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu của vài cá nhân trong cộng đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, đặc biệt là những câu hỏi của ông Trần Văn Nhu. Tôi xin báo tin cho cộng đồng chúng ta một vinh dự về ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu:
*** Vừa qua, được sự đề cử của toàn quyền các tiểu bang và sự đồng thuận của thủ tướng Úc, ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu được giữ chức vị Xử Lý Thường Vụ Tổng Toàn Quyền Úc Châu vào ngày 05/9/2016. Một chuyến chuyên cơ chở ngài và gia đình đến phủ tổng toàn quyền Canberra nhậm chức. Thật là một vinh dự cho người Úc gốc Việt của chúng ta...

V.T

ghi nhanh